Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Gỡ kho cho doanh nghiep

Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, tình hình kinh tế khó khăn cũng đã len lỏi vào từng gia đình người dân TPHCM

Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý I/2012 sáng 3-4, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị phải làm mọi cách để duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng doanh nghiệp (DN) làm ăn đình đốn, thua lỗ, đồng thời yêu cầu tất cả quận, huyện và sở, ngành phải vào cuộc để tổng kiểm tra "sức khỏe" của DN.

Thu ngân sách rất thấp

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP, cho biết số thu ngân sách trên địa bàn TP 3 tháng đầu năm 2012 được 49.969 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 dù được xem là năm rất khó khăn. Bà Lan nhận định: "Năm nay, thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ năm trước. Như vậy, khó khăn của các DN đã bộc lộ rõ hơn trong quý I này".
Phân tích thành phần của nguồn thu, bà Lan lưu ý số thu được từ bất động sản của quý I/2012 hơn 1.000 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2011. Điều này cho thấy các DN bất động sản gặp nhiều khó khăn nên việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng giảm mạnh. Không chỉ DN gặp khó khăn, theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, tình hình kinh tế khó khăn cũng đã len lỏi vào từng gia đình bởi vì giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng lên.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP, thông tin: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I/2012 trên địa bàn TP ước đạt 99.384 tỉ đồng, tăng 7,4 %.


Doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Đây là mức tăng thấp nhất so với các năm qua và chỉ cao hơn mức tăng quý I/2009 là năm chịu tác động khủng hoảng tài chính thế giới là 4%. Cũng theo ông Rê, hiện có 5.012 DN gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế TP nhưng chỉ có 462 DN gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở KH-ĐT. Nhìn chung, các DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải, du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà đề nghị Sở KH-ĐT thống kê, tập hợp và phân loại những DN đóng cửa thuộc loại nào. Đây là những DN bình thường hay cá biệt. Nếu là những DN truyền thống có ảnh hưởng đến nền kinh tế thì tham mưu cho TP để đưa ra biện pháp hỗ trợ.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Lê Hoàng Quân đến 24 quận, huyện, Cục Thuế TP và Sở KH - ĐT. Theo ông Lê Hoàng Quân, khi thành lập, DN nào cũng khai vốn từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng nhưng thực tế không có vốn liếng trong tay. Thậm chí có người từ nơi khác đến TP thành lập DN rồi sau đó đóng cửa và khi cơ quan thuế đến kiểm tra thì trốn mất.
Vì vậy, phải xem đây là bài học xương máu trong việc quản lý DN. "Trách nhiệm này không chỉ của Sở KH-ĐT mà bản thân quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, sắp tới, phòng kinh tế quận, huyện phải rà soát hoạt động của từng DN, đánh giá để báo cáo TP. Khó khăn về kinh tế cũng là dịp thử thách. DN nào làm ăn không căn cơ, không bài bản thì trước sau gì cũng phải đóng cửa" – ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng những gì đang diễn ra cho thấy TP đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bản thân các DN cũng khó khăn không kém, thể hiện ở chỗ DN chỉ cố gắng duy trì hoạt động, ổn định để tái cơ cấu chứ chưa thể mở rộng đầu tư. Vì vậy, những biện pháp tháo gỡ từ TP, Trung ương lúc này là rất quan trọng.
Ông Lê Hoàng Quân đề nghị trước mắt, các sở, ngành, DN phải nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, không để tình trạng DN phá sản, làm ăn đình đốn. Sắp tới, lãnh đạo TP sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước tập trung bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, ưu tiên cho DN vay vốn. Ngoài ra, lãnh đạo TP sẽ làm việc với các tổng công ty để nghe biện pháp sắp xếp, rà soát lại phương án kinh doanh.

Bức xúc với dự án Nhà hát Trần Hữu Trang

Nhắc lại dự án Nhà hát Trần Hữu Trang, một công trình cấp bách để phục vụ nhu cầu biểu diễn của văn nghệ sĩ, Chủ tịch Lê Hoàng Quân bức xúc: "Dự án này được TP bố trí vốn từ năm 2009, dự kiến năm 2011 xây xong. Thế nhưng làm hoài không xong, nóng lòng nên tôi đích thân đến hiện trường thì thấy khu đất hiện đang… cho thuê bán đồ gốm.
Qua kiểm tra thì hồ sơ "nằm" ở Sở Xây dựng, sau đó "đẩy" qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rồi về lại Sở Xây dựng. Ban đầu, vốn đầu tư là 78 tỉ đồng, sau Sở Xây dựng "cắt" còn 50 tỉ đồng và bây giờ là 120 tỉ đồng.
Công trình đã khởi công, cúng tổ hẳn hoi rồi lại để "trùm mền" thì không hiểu nổi. Đôi khi khó khăn không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn do sự đùn đẩy và vô trách nhiệm của chính các cơ quan sở, ngành TP".

Theo ông Lê Hoàng Quân, đây chỉ là một trong rất nhiều dự án "rùa" mà lỗi từ sự vô trách nhiệm của các sở, ngành. "Nhiều dự án do quận, huyện làm thường nhanh và chất lượng hơn, do đó các sở ngành phải kiểm điểm trách nhiệm của mình. Nếu cứ đùn đẩy mà không ngồi lại tháo gỡ thì cái khó sẽ chồng khó"- ông Lê Hoàng Quân nói.


QUÝ HIỀN
Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét